Bên cạnh việc học tại các trung tâm âm nhạc, tự học violin tại nhà cũng là phương pháp được nhiều bạn lựa chọn. Để quá trình luyện tập có kết quả tốt và đạt hiệu quả cao, bạn hãy lưu ý một số điều mà trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch TP. HCM (CET) nêu ra trong bài viết dưới đây.
Tự học violin tại nhà là phương pháp được nhiều người lựa chọn (Ảnh: Internet)
Tự học violin là cách học được nhiều người lựa chọn vì tiết kiệm chi phí và tối ưu thời gian luyện tập. Tuy nhiên, cái khó của phương pháp này là bạn phải tự “tìm đường” để phát triển khả năng chơi đàn của mình. Trong bài viết này, CET sẽ trình bày một số điều bạn cần làm khi tự tập violin, cũng như các lưu ý để học đàn tốt hơn.
Tự học violin tại nhà được không?
Nếu không có điều kiện đến các trung tâm âm nhạc, bạn hoàn toàn có thể tự học violin tại nhà. Dưới đây là 3 điều bạn nên dành nhiều thời gian luyện tập khi bắt đầu tự chơi loại nhạc cụ này:
Tư thế chơi đàn
Để chơi violin hay, bạn hãy bắt đầu từ tư thế chơi đàn. Tư thế chuẩn giúp bạn không bị mỏi khi luyện tập, đồng thời tạo ra âm thanh hay khi kéo violin.
Bạn đứng thẳng, thả lỏng toàn thân, chân rộng bằng vai, chân trái bước lên nửa bước so với chân phải. Đặt violin lên vai trái, hơi nghiêng mặt đàn về bên phải và tì cằm lên miếng đệm để giữ đàn không bị rớt. Bạn hãy chọn chỗ đứng thật thoải mái, không vướng bất kỳ vật gì để luyện tập.
Khi đã cố định đàn trên vai, bạn dùng tay phải cầm vĩ với lực vừa phải để tránh gây mỏi lúc kéo. Các ngón tay hơi khum tròn và có khoảng cách vừa đủ để có độ linh hoạt nhất định khi chơi.
Tư thế đàn chuẩn giúp bạn không bị mỏi khi luyện tập (Ảnh: Internet)
Học cách bấm dây đàn
Bạn dùng ngón cái và ngón trỏ bàn tay trái cầm vào phần đầu của cần đàn, các ngón còn lại khum vào để sẵn sàng bấm nốt. Lưu ý khi cầm đàn cổ tay trái không được cong xuống hoặc ưỡn lên mà phải thẳng với cẳng tay.
Khi bấm, bạn hãy ấn ngón tay vào giữa dây một cách dứt khoát với lực vừa phải để dây chạm vào mặt đàn. Khoảng cách giữa các ngón tay tới dây tầm 5mm. Khoảng cách giữa các ngón tay không xa cũng không gần để dễ dàng di chuyển và bấm nốt.
Học kéo nốt to, rõ và các bài tập luyện ngón
Khi đã có tư thế đứng và cầm đàn chuẩn, bạn bắt đầu thực hành kéo vĩ để tạo nốt nhạc. Đàn violin có 4 dây Son, Rê, La, Mi (tính từ trái qua), bạn hãy kéo dây La trước rồi chuyển sang các dây khác. Khi kéo nốt chú ý tạo ra âm thanh to, rõ, không bị rè, đồng thời tránh trường hợp vĩ dính vào 2 dây cùng lúc. Bạn cũng có thể lên mạng tìm một số bài tập luyện ngón dành cho người mới và tập theo.
Khi mới chơi violin, bạn sẽ thấy khó, đôi khi chán nản vì tập mãi mà âm phát ra không hay hoặc bị rè. Nhưng đừng bỏ cuộc, chỉ cần chăm chí luyện tập mỗi ngày, bạn sẽ thấy tiếng đàn của mình ngày càng cải thiện và tiến bộ hơn.
Học đàn violin có khó không?
Theo đánh giá của nhiều người, violin là một trong những nhạc cụ khó chơi, bởi lẽ violin không hề có các ngăn đàn hay phím bấm, người chơi phải hoàn toàn dựa vào đôi tai và sự tập trung của bản thân để nhận biết đó là nốt gì. Ngoài ra, những người mới tập chơi violin còn đối diện với việc mỏi tay do phải giữ đàn và kéo vĩ lên xuống. Nếu không có lực tay và độ chính xác cao, âm thanh tạo ra sẽ không rõ ràng và mượt mà.
Tuy khó, nhưng violin lại có sức hút rất lớn với những người yêu âm nhạc nói chung và những người theo học nhạc cụ này nói riêng. Với âm thanh trầm bổng, réo rắt, violin đã làm say đắm con tim của biết bao người mỗi khi âm thanh của nó vang lên. Không chỉ vậy, nhạc cụ này có tính ứng dụng cao, có thể đệm nhạc trong các bài hát hoặc đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các dàn nhạc giao hưởng…
Tuy khó, nhưng violin lại thu hút rất nhiều người theo học (Ảnh: Internet)
Cách chọn mua đàn violin cho người mới bắt đầu
Dù bạn tự học violin tại nhà hoặc học cùng giảng viên, điều quan trọng trước tiên là bạn phải có một cây đàn tốt. Tập luyện với cây đàn chất lượng cao, có âm thanh chuẩn không chỉ giúp bạn nhanh chóng phát triển kỹ năng mà còn tăng khả năng cảm âm của mình.
Để chọn được đàn violin hay, bạn hãy tìm hiểu về nguồn gốc sản xuất và thông số kỹ thuật của đàn. Cây violin được làm ra bởi những thương hiệu lớn, sử dụng loại gỗ tốt sẽ có mức giá cao và ngược lại.
Nếu có ý định học lên chuyên nghiệp, bạn hãy đầu tư hẳn một cây violin chất lượng tốt để luyện tập và biểu diễn. Còn nếu bạn học để biết thêm một kỹ năng mới hoặc giao lưu cùng bạn bè, bạn có thể chọn một cây với giá rẻ hơn.
Kích thước cũng là điều mà bạn nên lưu ý khi chọn đàn. Violin có nhiều kích cỡ khác nhau như 4/4, 3/4, 1/2, 1/8… Bạn nên ra các cửa hàng bán nhạc cụ thử xem mình phù hợp với cỡ đàn nào, âm thanh có hay không, bản thân có cảm thấy thoải mái khi sử dụng cây đàn này không… Nếu không có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn, tốt nhất bạn hãy đi cùng với người có chuyên môn để hỗ trợ bạn.
Một số lưu ý cho người mới học đàn violin
Khi tự học violin tại nhà, ngoài 3 thứ CET kể trên, bạn hãy lưu ý thêm 2 điều dưới đây để quá trình học tập đạt kết quả tốt nhất:
Học nhạc lý song song với tập đàn
Nhạc lý là phần quan trọng không thể thiếu khi học bất kỳ bộ môn nhạc cụ nào. Ngoài việc tập chơi đàn bạn hãy dành thêm một chút thời gian để học nhạc lý.
Khi mới tập, bạn hãy bắt đầu với việc đọc các nốt, các ký hiệu cơ bản có trong bản nhạc… Càng học, bạn sẽ ngày càng tiến bộ và hiểu hơn về violin, có nền tảng nhạc lý vững sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp thu và học lên cao.
Học nhạc lý sẽ giúp bạn ngày càng tiến bộ khi chơi đàn (Ảnh: Internet)
Học thuộc bản nhạc
Ở những cấp độ đầu tiên, khi khả năng thị tấu chưa cao, bạn nên học và nhớ rõ bản nhạc mình đang tập. Điều này không chỉ cải thiện khả năng ghi nhớ mà còn giúp bạn tập trung tối đa vào việc nâng cao tiếng đàn của mình.
Hy vọng với bài viết trên đây, các bạn đã biết được những điều cần làm khi tự học violin tại nhà. Tuy phương pháp này được nhiều người lựa chọn, nhưng nếu có thể sắp xếp được thời gian và chi phí, CET khuyên các bạn nên đến các trung tâm âm nhạc để được hướng dẫn chi tiết nhất.
Nếu đang tìm một địa chỉ học violin uy tín, chất lượng hoặc muốn tìm hiểu thêm về ngành Kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ Phương Tây tại CET, bạn hãy liên hệ ngay tới số tổng đài 1800 6552 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất nhé!
Ý kiến của bạn