Sáng mai, bạn dự định ăn món gì đấy? Ăn bánh mì, xôi, bún, cháo, hủ tiếu, nui hay bánh canh nhỉ? Quả thật ẩm thực dành cho buổi điểm tâm của người Việt rất đa dạng và phong phú, bạn có thể lựa chọn mỗi ngày một món khác nhau cho suốt 1 tháng mà không sợ ngán. Vậy sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn học nấu món gì cho “Chuyên đề: Điểm tâm”? Chúng ta cùng khám phá lớp học hôm nay và tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Các bạn ấy sẽ được khám phá bí quyết thực hiện 2 món ăn ngon được nhiều người ưa thích là bún bò Huế và hủ tiếu Nam Vang. Để trở thành một người đầu bếp giỏi thì ngoài những món ăn chế biến cầu kì, mang hương vị phương Tây thì chúng ta còn phải chế biến được những món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt để giới thiệu đến những đất nước khác trên năm châu. Là người Việt Nam, ai mà chưa từng nếm qua hương vị của 2 món này phải không? Vì những lý do ấy mà chương trình giảng dạy ngành Kỹ thuật chế biến món ăn tại CET đã đưa bài học vào giáo trình. Đây cũng là một trong những bài học thực hành đầu tiên của sinh viên trong không gian lớp học mô phỏng theo phòng bếp của các nhà hàng, khách sạn ngoài thực tế.
Hủ tiếu Nam Vang – món ăn đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Từng Kỹ Thuật Nấu Ăn Được Hướng Dẫn Cặn Kẽ
Tuy là 2 món ăn bình dân, quen thuộc trong đời sống hằng ngày của chúng ta nhưng để nấu đúng hương vị đặc trưng của từng món thì chúng ta cần phải có nhiều kỹ năng chế biến. Trong bài học hôm nay, các bạn sinh viên được lĩnh hội những nội dung sau:
- Cách lựa chọn, sơ chế và bảo quản nguyên liệu.
- Xử lý xương và kỹ thuật hầm nước dùng.
- Phương pháp chần và luộc thực phẩm đúng cách.
- Bí quyết làm sa tế, phi tỏi và xốt ăn kèm hủ tiếu khô.
- Kỹ thuật buộc chỉ, cách bó giò heo.
Với sự hướng dẫn tận tình của giảng viên nhiều năm kinh nghiệm thì sinh viên có thể ứng dụng chế biến hoặc sáng tạo nên nhiều món ăn khác để hỗ trợ cho công việc nghề bếp sau này. Những kiến thức căn bản này là hành trang của các bạn trong suốt chặng đường chinh phục nghề “cầm dao, lắc chảo” nên ai nấy cũng chăm chú lắng nghe và ghi chép tỉ mỉ.
Giảng viên đang hướng dẫn sinh viên cách rút xương giò heo.
Bún Bò Huế – Món Ăn Của Sự Đậm Đà Và Hương Cay Nồng
Là món ăn đặc trưng văn hóa ẩm thực miền Trung nên hương vị khá đặc biệt với vị cay của sa tế, mùi sả của nước dùng cùng vị mắm ruốc không lẫn vào đâu được. Các nguyên liệu tương đối dễ tìm mua nhưng đòi hỏi cao ở khâu nấu nước dùng – linh hồn của món ăn. Bí quyết để có được một nồi nước dùng bún bò vừa trong vừa ngọt thanh từ xương, cay nồng của sa tế và mùi thơm của sả với mắm ruốc đều được bật mí trong buổi học này. Cách lấy nước mắm ruốc cũng là phần quan trọng được thầy hướng dẫn kỹ để các bạn sinh viên thực hiện. Không làm tốt bước này sẽ khiến mùi mắm ruốc lấn át hết các mùi vị của các nguyên liệu khác trong nước lèo.
Xương được sơ chế và chần qua nước sôi đúng cách sẽ giúp nước dùng trong.
Bên cạnh mắm ruốc thì bún bò Huế không thể thiếu sa tế. Để làm sa tế ngon cũng cần có những mẹo riêng để có được hương vị cay nồng đúng hương vị truyền thống của xứ Huế. Điểm nhấn của buổi học chính là giảng viên trực tiếp hướng dẫn sinh viên cách lóc xương và buộc chỉ giò heo, nạm bò sao cho không quá chặt cũng không quá lỏng, thịt chín đều và có hình dáng đẹp khi thái lát. Để luyện tập thao tác này thì tất cả các bạn đều được thực hành buộc chỉ với khăn vải. Tuy lúc đầu có chút vụng về khi buộc các đường chỉ không đều nhau nhưng sau đó được thầy chỉnh sửa thì các bạn đã hoàn thành xuất sắc bài tập này.
Sinh viên chăm chú thực hành buộc chỉ với khăn vải.
Hủ Tiếu Nam Vang – Món Ăn Trường Tồn Trong Lòng Dân Nam Bộ
Dù là một món ăn của người Hoa và có nguồn gốc từ thủ đô Nam Vang (Phnom Pênh) của Campuchia nhưng khi du nhập vào Sài Gòn đã được biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt và trở thành món ăn đặc sắc của Nam Bộ. Điểm thú vị của món ăn này nằm ở việc kết hợp nhiều nguyên liệu hấp dẫn với nhau như tôm, mực, gan, thịt heo, tóp mỡ,…
Các bạn sinh viên trực tiếp nấu nước dùng cho hai món ăn của bài học.
Tương tự như món bún bò Huế thì nấu nước lèo là khâu quan trọng nhất mà các bạn sinh viên cần phải thực hiện chuẩn xác để đạt chuẩn. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm nên thầy chia sẻ công thức nêm nếm gia vị dễ nhớ nhưng vẫn mang đến vị ngọt thanh cho nước dùng. Nếu thông thường chúng ta nấu nước lèo với mực khô thì các bạn sinh viên được học công thức mới khi sử dụng củ cải muối. Để món hủ tiếu Nam Vang trở nên hoàn chỉnh thì các nguyên vật liệu tươi sống ăn kèm phải được luộc đúng cách, vừa giữ được chất ngọt tự nhiên vừa xử lí được mùi tanh.
Giảng viên chia sẻ bí quyết làm tỏi phi thơm ngon.
Nhằm toàn diện kiến thức cho sinh viên thì ngoài món hủ tiếu nước, trong chương trình dạy CET còn hướng dẫn bạn cách làm nước xốt của hủ tiếu khô được làm từ dầu hào, hắc xì dầu, xì dầu và đường. Ngoài ra, đến với lớp học bạn còn được chiêm ngưỡng và thực hiện các thao tác trụng và trộn hủ tiếu chuyên nghiệp.
Thoáng đó mà thành phẩm của các bạn đã hoàn thành và được bày trí đẹp mắt, hấp dẫn. Thầy sẽ nhận xét và đưa ra những lỗi hay mắc khi chế biến cũng như cách khắc phục. Ngoài ra, đây cũng là khoảng thời gian để giảng viên giải đáp các thắc mắc của sinh viên để giúp các bạn tự tin hơn khi chế biến, nâng cao kỹ năng ngành bếp để theo đuổi ước mơ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.
Món bún bò Huế được trang trí khá đẹp mắt.
Buổi học diễn ra trong khoảng 3 tiếng nhưng các bạn sinh viên đã mang về một lượng kiến thức rất nhiều, từ những điều nhỏ nhặt đến những kiến thức chuyên sâu mà người đầu bếp nào cũng phải nắm vững. Đây chính là hành trang giúp các bạn tự tin làm nghề sau này. Còn bạn, bạn đã tìm cho mình được hướng đi tới thành công chưa? Nếu yêu thích công việc đầu bếp và mong muốn được trải nghiệm những điều trên thì hãy nhanh tay liên hệ với tổng đài miễn phí 1800 6552 hoặc điền đầy đủ thông tin vào form dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn về ngành Kỹ thuật chế biến món ăn nhé!
Ý kiến của bạn