Quy Nhơn, nơi mệnh danh là miền đất võ, cái nôi của nghệ thuật bài chòi, tuồng cùng các làng nghề truyền thống đậm văn hóa Bình Định.
Đến với vùng đất biển xanh, cát trắng và nắng vàng của Quy Nhơn, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh nên thơ, được chăm sóc bởi những cánh sóng dào dạt mà còn được hòa mình vào những lễ hội nổi tiếng thu hút lượng du khách lớn mỗi năm. Đặc biệt, chắc chắn bạn còn được trải nghiệm nét văn hóa ẩm thực đặc trưng vô cùng thú vị ở nơi đây.
Đặc trưng văn hóa lễ hội Quy Nhơn – Những viên ngọc cần được mài sáng
Hội làng Thị Tứ
Lễ hội làng Thị Tứ được tổ chức ở nhà thờ họ Đào, thuộc làng Thị Tứ, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, nơi có truyền thống làm rèn và chạm vàng tay. Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn của ông Đào Giã Tương, ông tổ của nghề rèn đã có công truyền nghề cho dân làng, người dân sẽ cúng lễ tổ sư nghề rèn bằng những cỗ bàn rất linh đình. Lễ tế còn có ca hát, văn nghệ, vui chơi.
Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn
Nhằm tưởng nhớ vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789, tại đây sẽ tổ chức lễ hội trọng thể, hoành tráng tại thị trấn Phú Phong – huyện Tây Sơn. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại Quy Nhơn và được nhiều người biết đến. Nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như: biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát bội… thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đổ về tham dự.
Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn (Ảnh: Internet)
Lễ cúng Cá Ông
Hàng năm, các xã ven biển thường mở hội cúng cá Ông vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch tại các đền thờ cá Ông. Theo truyền thuyết, cá Ông thường cứu người bị nạn và thuyền bị nạn trên biển. Trong lễ hội còn có các nghi lễ truyền thống, hát bả trạo và hát bội.
Lễ hội Đổ Giàn
Vào ngày rằm tháng 7 các năm Tỵ, Dậu, Sửu, người dân huyện An Nhơn và các huyện lân cận thường đổ về làng An Thái, An Nhơn, Bình Định để dự lễ Vu Lan, tham gia các cuộc thi tài và xem hát bội.
Trong đó, hấp dẫn và cuốn hút nhiều người nhất là hội xô cỗ (người Việt gọi là xô giàn hay đổ giàn). Người ta thiết lập các đàn cúng cao, trên đó đặt đàn cúng thần gồm các lễ vật như: hương, hoa, trà, cỗ gạo, trái cây, bánh và cỗ heo nặng khoảng độ vài mươi ký.
Sau khi thực hiện xong các nghi thức cúng lễ cổ truyền, vị chủ tế tuyên bố xô giàn, cuộc tranh tài được bắt đầu. Các võ đường sẽ cùng nhau tranh đấu tìm thế tranh lấy con heo. Sau đó phải nhanh chóng luồn lách, lao ra khỏi đám đông để mang con heo chạy về một địa điểm an toàn đã định sẵn trước đó. Mỗi nhóm tranh tài đều có người bảo vệ, ngăn cản các đối thủ khác có thể giật lại cỗ heo. Vì ý nghĩa cũng như sự hấp dẫn trong quá trình tranh đấu mà hội đổ giàn của An Thái bao giờ cũng được xem trọng và thu hút đông đảo người tham dự.
Hội An Thái
Hội An Thái được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, An Nhơn. Ngoài ý nghĩa là lễ Vu lan báo hiếu của nhà Phật thì đây còn là ngày mà các võ sĩ trong các làng võ trong vùng đua tài. Trong lễ hội văn hóa này phải kể tới hát bội và phần cướp heo quay, vật cúng thần từ trên giàn cao tung xuống mang về cho làng mình. Người thắng cuộc là người được nhân dân quý trọng.
Những món ăn làm nên nét văn hóa đa dạng của ẩm thực Quy Nhơn
Nem chua – nem nướng Quy Nhơn
Thực khách sẽ dễ dàng tìm thấy nem ở mọi nơi trong thành phố Quy Nhơn. Ngoài làm món ăn lai rai, nem được ăn cùng với bún tươi, chả cá nướng, rau sống thêm chút đậu phộng, cải chua, rau ngò rất hấp dẫn. Độ ngon của món ăn phụ thuộc vào nước chấm chua cay, mặn ngọt đi kèm, mỗi quán lại có một bí quyết bí truyền riêng. Giá mỗi tô chỉ tầm từ 20.000 đồng mà thôi.
Nem chua Quy Nhơn ngon nức tiếng (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, bạn còn có thể biến tấu đôi chút với nem nướng. Nem nướng chỉ có vị hơi ngọt nhẹ và có màu hồng mà thôi. Nem luôn được gói trong lá ổi non để tạo mùi thơm. Giá của mỗi chiếc nem nướng chỉ tầm 5.000 đồng.
Tré Quy Nhơn
Khi đã thưởng thức nem thì bạn cũng không nên bỏ qua tré. Tré – món ăn nghe cái tên thật lạ, bên ngoài giống một bó rơm nhỏ nhưng bên trong là tai lợn, thịt ba chỉ, thính, riềng, tỏi, ớt và đặc biệt là lá ổi. Tất cả được ủ từ 2 – 3 ngày đến khi các gia vị thấm vào nhau.
Ngoài vị mặn, ngọt, cay đặc trưng, tré còn có cả chút chát chát và thơm thơm của thính cùng lá ổi, tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.
Bánh hỏi lòng heo
Bánh hỏi lòng heo có độ tơi, sợi mềm vừa phải, không hăng mùi bột, đươc phủ lên trên một lớp hẹ xắt nhỏ ăn kèm. Món ăn này còn có thể ăn kèm với cháo lòng được nấu từ nước luộc lòng. Món ăn dọn ra lúc nào cũng nóng hổi, giá một suất ăn dao động trong khoảng 25.000 – 40.000 đồng 1 phần và thường được bán vào buổi tối.
Bánh hỏi lòng heo cuốn hút thực khách (Ảnh: Internet)
Bún chả cá
Bún chả cá Quy Nhơn góp phần tạo nên thương hiệu của món ăn miền Trung. Bún chả cá Quy Nhơn ngon bởi chả cá được làm từ cá mối, cá nhồng, cá thu, cá rựa… nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là cá thu, cá cờ, nhờ vậy mà có vị ngọt đậm đà.
Bánh ít lá gai
Thường được du khách chọn về làm quà mang về, bánh ít lá gai không chỉ là loại bánh ăn ngày thường mà còn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ, tết.
Bánh ít có 2 loại: mặn và ngọt. Hai loại này chỉ khác nhau về nguyên liệu bên trong, còn lá gói bên ngoài thì giống nhau.
Nếu bánh ít mặn được làm bằng bột nếp với nhân tôm và thịt thì bánh ít ngọt còn làm từ bột nếp, nhưng bột được trộn với nước cốt lá gai thơm, nhân đậu xanh và dừa.
Các món ngon của đất Quy Nhơn thì còn rất nhiều. Tuy nhiên, hy vọng với vài gợi ý nhỏ vừa rồi mà Cet.aci-8a.com vừa giới thiệu sẽ giúp bạn hiểu hơn về vùng đất biển này cũng như có thêm nhiều thông tin hữu ích cho chuyến đi của bạn trở nên trọn vẹn hơn.
Ý kiến của bạn