Bánh tráng lề dùng để gói ram, ăn bánh xèo; bánh tráng mỏng để cuốn thịt luộc… bánh tráng mè nướng lên rồi ăn cùng các món nộm hay phải kể đến bánh tráng đường đặc sản Quảng Ngãi, bánh tráng dừa nổi tiếng ở miền Tây sông nước… Có vô vàn phiên bản khác nhau nhưng không thể bỏ qua bánh tráng dẻo phơi sương ở Tây Ninh mà ai ăn thử một lần cũng trầm trồ, khen ngợi. Nếu trót yêu hương vị mộc mạc này, bạn hãy cùng chúng tôi tham khảo cách làm bánh tráng phơi sương mềm dẻo ngay tại nhà với các mẹo cực hay không lo bị cứng bánh.
Bánh tráng phơi sương dùng để cuốn các món thịt luộc, cá nướng… rất hấp dẫn. Ảnh: Internet
Xứ sở của những chiếc bánh tráng phơi sương thuộc thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tại nơi đây có gần cả trăm lò chuyên sản xuất bánh tráng phơi sương rất nổi tiếng, mang hương vị rất riêng cho các món cuốn Nam Bộ.
Nguồn gốc của bánh tráng
Bánh tráng còn có tên gọi khác là bánh đa, là món ăn quen thuộc trong ẩm thực của người Việt. Món bánh này rất đa dạng, phong phú theo đặc trưng của từng vùng miền mà có thể dùng ăn chơi hoặc ăn no đều được.
Bánh tráng phơi sương. Ảnh: Internet
Về sự ra đời của món bánh tráng phơi sương, tương truyền rằng, có gia đình nọ đưa nhau từ miền Trung vào miệt Trảng Bàng thuộc trấn Gia Định (nay là Trảng Bàng, Tây Ninh) sinh sống. Họ chọn nghề làm bánh tráng để mưu sinh. Một buổi chiều, cô con dâu do quá mệt nên khi gom bánh khô vào nhà đã bỏ quên hai vỉ bánh ngoài góc rào. Sáng ra, mẹ chồng thấy vỉ bánh ẩm ướt, định rầy la thì anh chồng ra gỡ những chiếc bánh mềm mại sương đêm ấy mang vào nhà; hái những lá rau quanh vườn rồi mời cả nhà cùng ăn. Không ngờ mọi người đều tấm tắc khen ngon và từ đó món “bánh tráng phơi sương” ra đời.
Cách làm bánh tráng phơi sương mềm, ngon tại nhà
Nguyên liệu
- Gạo tẻ
- Một ít muối
- Nước lọc
Công đoạn làm bánh tráng phơi sương
Ngâm bột làm bánh
Đầu tiên, bạn vo sạch lượng gạo đã chuẩn bị, ngâm nước trong hai ngày. Trong thời gian ngâm gạo, bạn hãy thường xuyên thay nước để bột không bị chua.
Vo sạch gạo trước khi mang đi ngâm. Ảnh: Internet
Xay bột
Sau khi ngâm đủ thời gian, bạn thay nước ngâm cũ và mang gạo xay cùng với một ít muối đến khi nhuyễn mịn như sữa là được.
Gạo được xay nhuyễn sau khi ngâm. Ảnh: Internet
Tráng bánh
Tráng bột trên nồi nước sôi để chín bánh. Ảnh: Internet
Bắc nồi nước sôi, miệng nồi phủ lớp khăn mỏng như làm bánh cuốn. Kỹ thuật tráng bánh phải đều tay, múc từng muỗng bột rải đều trên lớp vải thành hình tròn rồi đậy kín một phút, hơi kín làm bột chín, lớp bột mỏng, trong vắt, thơm mùi gạo mới.
Tiếp đó, nhấc ra và trải lên phên tre phơi cho héo rồi để lên vỉ mang ra phơi nắng.
Phơi bánh
Sau khi phơi xong một nắng, bánh được mang đi nướng cho phồng rộp rồi xếp riêng đợi đến sáng mai khi sương bắt đầu rơi xuống sẽ mang ra phơi.
Phơi bánh tráng dưới nắng. Ảnh: Internet
Bánh tráng được nướng phồng qua lửa than trước khi phơi sương. Ảnh: Internet
Phải canh bánh được phơi sương đủ thời gian rồi mới xếp bánh bỏ vào túi nilon hoặc túi zip, luôn bọc kín để bánh được mềm.
Các món ngon từ bánh tráng phơi sương
Thưởng thức bánh tráng phơi sương ngon nhất là khi dùng để cuốn với thịt heo, thịt bò… luộc, ăn kèm với các loại rau, dưa chua và giá sống. Để món ăn hấp dẫn, các loại rau phải có đủ năm vị: chua, chát, ngọt, béo, thơm. Đó là các loại rau như lá cóc, lá hẹ, ngò tàu, lá tía tô, húng lủi…. Không thể thiếu đó là nước mắm ngon, pha cùng tỏi, ớt, chanh, đường làm tăng thêm vị đậm đà.
Thưởng thức món cuốn cùng bánh tráng phơi sương. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, không thể thiếu một biến tấu cùng bánh tráng phơi sương “hot rần rần” không có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến hội chị em phụ nữ rất mê chính là món ăn vặt bánh tráng phơi sương muối nhuyễn. Sự kết hợp của muối nhuyễn mặn mặn, cay cay cùng với hành khô, tắc, rau răm, thêm khô mực hoặc khô bò, đậu phộng… trộn đều là có thể thưởng thức được rồi. Món ăn này dùng để nhâm nhi lúc tám chuyện, cày phim hoặc thưởng thức trong lúc chạy deadline thì còn gì bằng.
Bánh tráng phơi sương ăn cùng muối nhuyễn, tắc và hành phi. Ảnh: Internet
Bảo quản bánh tráng phơi sương
Thành phẩm bánh tráng phơi sương ngon, mềm dẻo không cần nhúng nước trước khi ăn.
Người ta thường chia bánh ra từng phần, thêm lá chuối tươi và bọc kín. Ảnh: Internet
Sau khi phơi bánh xong, bạn phải lấy bánh đi xếp vào túi kín cùng một miếng lá chuối tươi. Như vậy, bánh sẽ dùng ngon nhất trong vòng 7 ngày.
Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn hãy để bánh trong túi kín rồi để trong ngăn mát tủ lạnh.
Những lưu ý để làm bánh tráng phơi sương đúng chuẩn
- Theo kinh nghiệm của người dân làng nghề, gạo làm bánh tráng phải là lúa (gạo) mới trong mùa thu hoạch gần nhất.
- Gạo phải chọn sạch hạt mốc, không lẫn tạp chất, không pha gạo khác.
- Không phơi bánh dưới sương quá lâu sẽ khiến bánh quá mềm, không còn độ dẻo, ngon nữa.
- Khi bảo quản bánh nên kèm theo miếng lá chuối xanh để bánh được mềm.
- Nướng bánh phải lật đi lật lại liên tục để hai mặt phồng đều mà không bị cháy.
Cách làm bánh tráng phơi sương tại nhà mang đậm hương vị riêng của đồng quê Nam Bộ. Từ tắm nắng, nướng qua lửa rồi lại phủ mình trong sương đêm, chiếc bánh tráng phơi sương trở nên thơm ngon, đặc trưng hơn bao giờ hết. Với công thức chúng tôi chia sẻ, hy vọng bạn sẽ thực hiện thành công ngay từ lần đầu tiên nhé!
Ý kiến của bạn